10 câu hỏi thường gặp trong buổi phỏng vấn xin việc
Có rất nhiều bạn trẻ hoặc sinh viên còn bỡ ngỡ trước những cuộc phỏng vấn xin việc làm. Cũng có thể do sự lo lắng, không chuẩn bị trước hoặc thiếu kinh nghiệm do thiếu tự tin, e ngại. Vậy bạn có một buổi phỏng vấn xin việc quan trọng, bạn muốn tìm hiểu, chuẩn bị kỹ càng trước khi đi phỏng vấn. Thì đừng bỏ qua 10 câu hỏi thường gặp trong buổi phỏng vấn xin việc mà các nhà tuyển dụng sử dụng nhiều nhất. Bên cạnh đó, Quangngaijob.vn sẽ gợi ý bạn các cách trả lời hiệu quả nhất.

Nội Dung Chính
Cần chuẩn bị những gì trước khi phỏng vấn?
Trước khi tham khảo 10 câu hỏi thường gặp trong buổi phỏng vấn xin việc, bạn cần phải chuẩn bị một số thứ trước khi đến buổi phỏng vấn. Có thể đây sẽ là cách để tạo ấn tượng đầu tiên cho nhà tuyển dụng.
Vật dụng
– CV, résumé (sơ yếu lý lịch), portfolio (tổng hợp về các dự án đại diện cho kỹ năng, kinh nghiệm, năng lực của bạn), giấy tờ cá nhân, bì clear.
– Sổ tay, bút.
– Trang phục gọn gàng và lịch sự
Thông tin
Nên nắm rõ các thông tin về Công ty bạn đi phỏng vấn như:
– Sơ lược về Công ty: Tên Công ty, năm thành lập, địa chỉ, cơ cấu hoạt động, sản phẩm/dịch vụ kinh doanh, văn hóa của Công ty…
– Vị trí bạn ứng tuyển: Mô tả công việc, yêu cầu công việc, phúc lợi, lương.
– Thông tin về người đăng tin, HR hay người phỏng vấn: Tên, số điện thoại, email.
Kỹ năng mềm
Bạn không nhất thiết phải nắm rõ hết tất cả các kỹ năng mềm. Nhưng 3 kỹ năng bạn phải nắm rõ: kỹ năng giao tiếp, kỹ năng giải quyết vấn đề, kỹ năng thuyết phục.
Bởi nhiều nhà tuyển dụng họ ngoài đánh giá sơ yếu lý lịch, họ còn đánh giá cao kinh nghiệm giải quyết vấn đề và giao tiếp của ứng viên. Chuẩn bị trước sẽ giúp bạn tự tin để ứng phó các vấn đề khác nhau.
Luyện tập
Phỏng vấn trực tiếp sẽ là cơn ác mộng của nhiều người. Bởi ngoài sự kinh nghiệm của mình, bạn phải biết cách giao tiếp về lời nói, ánh mắt, hành động, cử chỉ của bản thân. Sự tự tin và chuyên nghiệp chính là lợi thế để lấy điểm của nhiều nhà tuyển dụng. Chính vì thế, bạn cần phải luyện tập trước khi “lâm trận” nếu không muốn buổi phỏng vấn đó trở nên luống cuống và ngại ngùng.
Tìm hiểu câu hỏi
Khẩu chuẩn bị là khâu quan trọng nhất. Việc tìm hiểu trước các câu hỏi, để đưa ra các ý trả lời là một điều cần thiết. Ngoài ra, bạn cũng có thể tìm hiểu kinh nghiệm của những người xung quanh cũng cực kì bổ ích nhé. Đây là bước bạn nên chuẩn bị đầu tiên. Việc làm Quảng Ngãi đã liệt kê 10 câu hỏi thường gặp trong buổi phỏng vấn xin việc mà các nhà tuyển dụng sẽ sử dụng nhiều nhất. Cùng với Quangngaijob.vn tham khảo dưới đây nhé!
- Xem thêm: Website Việc làm Quảng Ngãi đang tuyển dụng vị trí quản lý lương cao
10 câu hỏi thường gặp trong buổi phỏng vấn xin việc
Bạn hãy giới thiệu đôi chút về bản thân của mình?

Để gây được thiện cảm với nhà tuyển dụng, bạn cần phải chuẩn bị mục giới thiệu bản thân thật ấn tượng. Đây chính là tiêu chí quan trọng để nhà tuyển dụng đánh giá khả năng giao tiếp của bạn.
– Tránh: Với câu hỏi này thì bạn không nên giới thiệu quá dài dòng. Bởi nhà tuyển dụng cũng đã nắm rõ các thông tin ở trong CV, nhưng cũng có một số người chưa đọc qua CV của bạn.
– Nên: Thời gian để bạn giới thiệu cho câu này chỉ dưới 2 phút. Các tiêu chí khi giới thiệu bản thân đầy đủ, nhưng xúc tích bao gồm:
– Họ và tên, tuổi
– Học vấn hiện tại và công việc
– Điểm mạnh
Bạn cũng có thể kể điểm yếu của mình ra, nhưng bạn phải biến tấu nó thành điểm mạnh của mình.
Ví dụ: “Xin chào nhà tuyển dụng. Tôi tên là Phạm Thúy Huyền, đã tốt nghiệp Trường Đại học Kiến Trúc, chuyên ngành Quản trị kinh doanh. Công việc trước đây tôi đã từng làm là Nhân viên kinh doanh của Công ty ABC, Nhân viên hành chính-nhân sự của Công ty XYZ. Đồng nghiệp nhận xét tôi là một người nhiệt tình, chăm chú và kỹ tính…Và đúng như vậy, tôi là một người khá kỹ tính, hay tập trung quá mức vào công việc. Châm ngôn công việc của tôi là…”
Nêu mục tiêu công việc của bạn?
Bạn phải xác định mục tiêu về định hướng nghề nghiệp của bạn, xác định mục đích công việc cuối cùng bạn hướng đến trong công việc. Đây sẽ là câu hỏi để nhà tuyển dụng quyết định bạn có phù hợp với công việc hay không.
– Tránh: Bạn nên tránh trả lời mục tiêu dài hạn lan man, lòng vòng và không thực tế.
– Nên: Nhưng nếu bạn đang ứng tuyển vào vị trí không tương thích với mục tiêu công việc của bạn. Thì bạn cần đưa ra mục tiêu nghề nghiệp sao cho liên quan đến công việc đó. Đưa ra mục tiêu ngắn hạn và dài hạn.
Ví dụ: “Hiện tại mục tiêu trước mắt của tôi là làm việc tại Công ty lớn và các ban lãnh đạo giỏi như ở đây. Và quan trọng là tôi cũng muốn phát triển và hoàn thiện về kỹ năng cũng như trình độ về công việc này. Đây là công việc mà tôi đã xác định muốn gắn bó lâu dài trong tương lai. Còn về mục tiêu dài hạn thì tùy thuộc vào Công ty, còn với tôi thì tôi sẽ tìm cơ hội để được thăng tiến trong tương lai”.
Tại sao bạn lại nghỉ/chuyển việc ở Công ty trước đó?
Đây là câu hỏi mang tính chất hai mặt. Nếu không cẩn thận, bạn sẽ đưa ra câu trả lời mang tính chất nói xấu về Công ty cũ, khiến nhà tuyển dụng có cái nhìn phiếm diện về bạn. Nhưng nếu bạn nói quá tốt, thì nhà tuyển dụng sẽ nghĩ bạn đang bịa ra hoặc nếu bạn nghỉ việc thì do bạn.
– Tránh: Nói xấu Công ty, Ban lãnh đạo hay nhân viên tránh nhà tuyển dụng có cái nhìn xấu về bạn. Bởi vì bất kì cá nhân nào cũng có nhu cầu công việc và môi trường làm việc của mỗi doanh nghiệp là khác nhau.
– Nên: Thành thật trả lời nhưng bạn phải khéo léo về ngôn từ, thái độ và lý do của bạn phải tích cực. Nhưng đừng quên bạn phải lách, dẫn dắt qua công việc mà bạn đang ứng tuyển.
Ví dụ: “Tôi nghĩ định hướng phát triển và cơ hội thăng tiến của Công ty không còn phù hợp với tôi. Tôi muốn một công việc mang tính thách thức hơn, phát triển và cơ hội thăng tiến cao hơn ví dụ như tại Công ty này. Tôi đã tìm hiểu và thấy Công ty có định hướng phát triển, môi trường làm việc năng động cũng như cơ hội thăng tiến phù hợp với những gì tôi muốn”.
Bạn có thể giới thiệu về Công ty chúng tôi được không?
Họ hỏi câu này để xem bạn đã có dành thời gian để nghiên cứu về danh tiếng, cấu trúc, mô hình kinh doanh…của Công ty hay không. Đây chính là cơ sở để bạn tạo điểm cộng trong mắt nhà tuyển dụng. Câu hỏi này thường hay rất gặp nhất trong buổi phỏng vấn, họ chỉ muốn tìm ứng viên hiểu rõ về doanh nghiệp đó, chứ không phải một ứng viên qua đường. Vì vậy, nghiên cứu về Công ty là một trong những bước quan trọng cho buổi phỏng vấn đó.
– Tránh: Không tìm hiểu trước về Công ty.
– Nên: Trả lời những gì bạn đã tìm hiểu về Công ty ở trên website, fanpage…Phải ngắn gọn nhưng đầy đủ.
Tại sao bạn lại muốn làm việc ở Công ty chúng tôi?
Ở câu hỏi này, nhà tuyển dụng mục đích hỏi câu hỏi trong buổi phỏng vấn xin việc này là để xem bạn có thực sự quan tấm đến Công ty không hay. Và có thật sự quan tâm đến vị trí mà bạn ứng tuyển, hay bạn chỉ là ứng tuyển vào để chờ ngày đi phỏng vấn.
– Tránh: Không nên nói bản thân mình ứng tuyển nhiều Công ty nhưng chỗ nào chọn thì đi chỗ đó. Hoặc tránh nói ứng tuyển vào do danh tiếng, lương, công việc nhẹ nhàng…của Công ty.
– Nên: Nói ra lý do, lợi ích bạn muốn làm việc ở Công ty. Nên tìm hiểu về vị trí mà bạn đang phỏng vấn, sản phẩm dịch vụ kinh doanh…
Ví dụ: “Thứ nhất, trong một vài ngày trước, tôi đã liệt kê một vài Công ty phù hợp với châm ngôn và khả năng làm việc của tôi. Và Công ty chính là một trong những doanh nghiệp nằm đầu danh sách mà tôi đã liệt kê đó. Thứ hai, như tôi đã trả lời câu hỏi trước, môi trường làm việc của Công ty phù hợp để tôi phát triển. Thứ ba, địa chỉ Công ty gần với nơi tôi đang sinh sống”.
Tại sao bạn lại ứng tuyển vào vị trí này?
Nhà tuyển dụng hỏi câu này nhằm mục đích để thăm dò xem bạn có thật sự tìm hiểu về công việc mà bạn ứng tuyển hay không. Thông tin, mô tả công việc, yêu cầu về vị trí đó. Nhưng người phỏng vấn không quan tâm bạn xuất phát từ đâu, họ chỉ quan tâm bạn làm được gì cho Công ty.
– Tránh: Không nên đề cập đến danh tiếng, lương, thưởng, chế độ…của Công ty. Và nên nhớ một điều, bạn là người đi tìm việc chứ không phải đi xin việc.
– Nên: Nêu điểm mạnh của bạn thân phù hợp với công việc đó, để chỉ ra bạn là người yêu thích nó và bạn phù hợp. Trong lời nói của bạn phải có 3 phần kiêu ngạo, 3 phần tự tin và 4 phần chiến thắng.
Ví dụ: “Vì đây là công việc yêu thích và phù hợp với khả năng của tôi. Tôi đã nghiên cứu nó trong một thời gian và muốn có thêm kiến thức hơn. Ngoài ra, tôi cũng đã định hướng công việc này sẽ gắn bó với mình trong tương lai”.
Vì sao chúng tôi nên chọn bạn thay vì các ứng viên khác?

Sau quá trình trao đổi với ứng viên trước đó, các nhà tuyển dụng hay đặt câu hỏi này cho ứng viên của mình. Thường thì họ sẽ lưỡng lự giữa bạn và người khác. Và đây chính là lúc bạn làm “chủ sân khấu” của mình.
Như Việc làm Quảng Ngãi đã nói trước đó, bạn phải chuẩn bị 3 kỹ năng quan trọng. Kỹ năng thuyết phục chính là lúc bạn đem ra sử dụng để thuyết phục người phỏng vấn chọn bạn. Để làm cho bản thân khác biệt hơn ứng viên khác, bạn cần nêu ra những ưu điểm của mình. Đi kèm chính là sự nhiệt huyết trong lời nói thể hiện ra.
– Tránh: Không nên quá tự tin vì nghĩ bản thân sẽ được chọn. Nên nhớ, bạn không phải nhà tuyển dụng, họ có thể quay xe để chọn ứng viên khác. Không so sánh với bất kì ai, không phóng đại.
– Nên: Biến nhược điểm thành ưu điểm của bạn. Trả lời dựa trên bạn cần công việc, bạn chính là người phù hợp và Công ty cũng sẽ cần bạn.
Ví dụ: “Tôi nghĩ tôi là ứng viên phù hợp với công việc này. Bao gồm về kinh nghiệm làm việc trước đó, các kỹ năng về bán hàng và quản lý nhân sự. Tôi có thể làm việc độc lập hoặc làm việc theo nhóm. Tôi là người dễ hòa nhập với môi trường và đồng nghiệp mới. Và quan trọng tinh thần cầu tiến và trách nhiệm làm việc tôi luôn sẵn sàng”.
- Xem thêm: Chi tiết việc làm Kỹ sư xây dựng tại Quảng Ngãi với mức thu nhập khủng
Bạn có sẵn sàng làm thêm giờ nếu chúng tôi yêu cầu không?
Câu hỏi này sẽ đánh giá tinh thần và trách nhiệm trong công việc của bạn. Bạn có thể dõng dạc trả lời “Có” để thể hiện bạn là người luôn cố gắng vì công việc. Tuy nhiên, bạn đừng quên đề cập đến tiền tăng ca ngoài giờ nhé.
– Tránh: Thái độ, chần chừ hay uể oải khi trả lời câu hỏi.
– Nên: Trả lời một cách tích cực và năng nổ.
Ví dụ: “Tôi rất sẵn sàng cho việc làm thêm ngoài giờ và tôi nghĩ là công ty nào cũng sẽ vậy. Nếu tăng ca giúp làm tăng năng suất, không chậm tiến độ công việc thì tôi rất sẵn sàng”.
Bạn mong muốn với mức lương bao nhiêu tại vị trí này?
Rất nhiều ứng viên nghĩ mình sẽ được chọn khi nhà tuyển dụng hỏi câu này. Nhưng sai hoàn toàn, đây chỉ là câu hỏi thử thách đối với các ứng viên.
Tùy vào tính chất và vị trí công việc mà bạn có đưa ra mức phù hợp. Không nên thấp quá và không nên cao quá.
– Tránh: Đưa ra mức lương thẳng thắn với người phỏng vấn.
– Nên: Đánh lái không đưa ra mức lương mà hỏi ngược lại người phỏng vấn.
Ví dụ: “Không biết Công ty sẽ chi trả bao nhiêu cho vị trí này? Còn tôi, tôi nghĩ mức lương sẽ được Công ty đánh giá thông qua thực lực cũng như lượng công việc mà tôi sẽ đảm nhận”.
Bạn có câu hỏi nào cho chúng tôi không?
Thường thì những bạn mới đi phỏng vấn lần đầu sẽ không đưa ra các thắc mắc hay câu hỏi cho người phỏng vấn. Nhưng Quangngaijob.vn khuyên bạn nên đặt câu hỏi cho nhà tuyển dụng, ít nhất là một câu để thể hiện sự quan tâm đối với vị trí cũng như Công ty.
– Tránh: Căng thẳng, sợ hãi không dám hỏi. Tránh hỏi quá chuyên sâu như: chiến lược, dự án…của Công ty.
– Nên: Đề cập đến những phúc lợi mà mình sẽ được hưởng nếu được làm. Vì đây chính là quyền lợi của bạn khi bạn làm việc. Các điều bạn nên hỏi: chế độ phúc lợi; khó khăn, thử thách trong công việc; quy trình làm việc; vị trí thường đánh giá như thế nào?…
Đừng ngần ngại bởi vì bất cứ nhà tuyển dụng nào cũng sẽ trả lời các thắc mắc của bạn.
Kết luận
Qúa trình phỏng vấn diễn ra hiệu quả sẽ bắt đầu từ việc bạn có chuẩn bị tốt hay không. Một phần cho sự hiệu quả diễn ra là phải nghiên cứu và lên các danh sách câu hỏi, trả lời cần chuẩn bị. Trên đây là 10 câu hỏi thường gặp trong buổi phỏng vấn xin việc mà Việc làm Quảng Ngãi đã liệt kê cho bạn tham khảo. Hi vọng bạn sẽ tạo được ấn tượng tốt với nhà tuyển dụng qua những kinh nghiệm như trên. Hãy truy cập website Quangngaijob.vn để ứng tuyển ngay cho mình một công việc thật chất lượng nhé!